Cười Lên Đi Em Vì Vẫn Còn Hy Vọng Cuối Con Đường
Viết viết rồi xóa xóa, không biết đã bao nhiêu lần đặt bút viết về cuộc đời em nhưng tôi lại không can đảm viết tiếp. Vì miền ký ức đó của em… có quá nhiều nỗi đau.
Trong chuyến hành trình về Việt Nam 2012 do Cha Thông tổ chức, có buổi nói chuyện tại Nhà thờ Thánh Phaolo và cộng tác viên nơi đây đã giới thiệu cho chúng tôi gặp em – một hoàn cảnh OBV cần quan tâm. Hành trình lên đường có hai anh em Quản lý dự án chúng tôi và thạc sỹ tâm lý Phạm Sỹ. Tới trung tâm thị trấn, chúng tôi đi tiếp thêm 40km đường xe khách, 2km đường xe…ôm, cuốc bộ thêm 1km nữa thì đến nhà em.
Cười lên đi em vì vẫn còn hy vọng cuối con đường
Được sự hỗ trợ của cộng tác viên “công tác tư tưởng” bước đầu, em đã biết mục đích chuyến đi lần này của chúng tôi. Vừa nhìn thấy chúng tôi em vui lắm, ánh mắt ánh lên rạng ngời nhưng cũng liền sau đó đôi mắt cụp xuống. Em lầm lũi bước đi, dẫn chúng tôi vào nhà. Sau một lúc trò chuyện làm quen ban đầu, được sự hỗ trợ của anh Phạm Sỹ, em dần trải lòng với chúng tôi nhưng… nghe sao mà xót xa.
Mẹ mất sớm khi em còn nhỏ, một sự mất mát quá lớn khi mẹ là người luôn lắng nghe mọi lời tâm sự của em. Cha bị tâm thần do tai nạn lao động, em luôn cảm thấy cô đơn, thậm chí lo sợ trong gia đình có 4 người anh ruột, ngôi nhà sát vách kế bên là nhà của cậu ruột. Chắc bạn sẽ thắc mắc tại sao sống cùng người thân, ruột thịt mà em lại cô đơn? Tại sao em lại lo sợ? Làm sao có thể không hoảng loạn cho được khi chính 4 người anh ruột và cậu ruột là những người đã xâm hại tình dục em trong suốt nhiều năm trời, từ khoảng trời tuổi thơ đến tận bây giờ?! Cứ có hơi men, hơi rượu, những người được gọi là “ruột thịt” này lại lôi em ra để thỏa mãn dục vọng thú tính. Hậu quả nặng nề em đã bị mang thai và bị ép phá thai. Nỗi ám ảnh mãi theo đuổi em trong từng giấc ngủ hàng đêm.
Lớn lên một chút, em đã từng bỏ đi về B.D. làm thuê và cũng để thoát ra vũng lầy này. Nhưng cũng chính tại nơi đây em lại bị những thanh niên cùng làm chung bắt ép xâm hại tình dục. Nước mắt ngắn dài em tâm sự: “Con cảm thấy bế tắc, cuộc đời con chẳng là gì, con không tha thiết sống trên đời này, con chẳng làm được gì cả, có cố gắng rồi cũng chẳng đến đâu.” Em muốn thoát ra khỏi ngôi nhà mà hằng đêm ngủ cũng không dám ngủ, cục cựa trở mình cũng sợ “những người anh” để ý, thậm chí nghe tiếng sột soạt liền giật mình thức giấc vì sợ “những người anh” mò mẫm vào… Cố gắng để trốn chạy nhưng em vẫn còn mối lo: nếu em đi rồi thì không ai chăm sóc cho cha già yếu, bệnh tật. Em ra đi làm lại cuộc đời, quyến luyến gửi gắm cha già cho người mợ với lời nhắn nhủ: “Con sẽ cố gắng làm việc kiếm tiền gửi về chăm sóc cha.” Những lời nói của em và cuộc đời em ám ảnh chúng tôi suốt hành trình về và những ngày sau đó.
Khi viết ra những dòng này, em đã về với Nhà OBV được gần 2 tháng. Hai tháng đồng hành cùng em nhưng thật dài. Đôi khi tưởng như chúng tôi phải bỏ cuộc. Cuộc sống quá nhiều nỗi đau tạo cho em tâm lý đề phòng không tin tưởng vào tình yêu thương. Em nghĩ chúng tôi đang cố giả tạo. Em tỏ ra ương bướng không hợp tác, tự làm đau mình và đòi hỏi được quan tâm. Em giấu thuốc lá để hút, có khi một ngày hút hết cả gói.
Ngày đầu tiên em về nhà OBV
Nếu so sánh với các trẻ khác trong nhà OBV, đồ thị cho sự thay đổi, hòa hợp của các trẻ tiến dần từ từ thì đối với em, đồ thị sau hai tháng tăng vọt như một đường thẳng. Em cười nhiều hơn, pha trò nhiều hơn. Tuy đôi lần vẫn còn thái độ thiếu hợp tác nhưng em đã thân thiện, cởi mở hẳn. Tìm được niềm vui trong công việc thêu tranh chữ thập em đã quên hẳn thuốc lá, thứ mà trước đây chúng tôi đã phải rất vật vã…”cai nghiện” cùng em. À, em cũng tròn hơn rất nhiều, gương mặt phúng phính hẳn ra.
Em (hàng đầu, bên trái) vui đùa cùng các chị em trong Nhà OBV
Khi em nói: “Dì ơi, từ khi vào đây mọi ước mơ của con dần dần đã thành sự thật.” Nghe sao mà nao lòng.
Cười lên đi em vì vẫn còn hy vọng cuối con đường.